Các điểm du lịch Núi Non Nước

Lầu đón gió

Lầu đón gió trên đỉnh núi Non Nước

Nghinh phong các (lầu đón gió) nằm giữa đỉnh núi Non Nước, được xây dựng từ thế kỷ XIV, là nơi Trương Hán Siêu cùng các tao nhân mặc khách tọa đàm ngâm thơ. Xưa trên đỉnh núi có ngọn tháp Linh Tế cao vút, được xây dựng năm 1091 thời nhà Lý, sau có bài "Linh Tế tháp ký" nổi tiếng của Trương Hán Siêu mô tả tháp này. Tháp đã đổ, nay không còn nữa nhưng nhà chức trách Ninh Bình đang có kế hoạch phục dựng lại tháp Linh Tế trên đỉnh núi Non Nước.[5]

Đỉnh núi Non Nước khá bằng phẳng, thuận tiện cho du khách nghỉ ngơi, thưởng ngoạn cảnh trí.

Tượng đài Lương Văn Tụy

Anh hùng Lương Văn Tụy là một chiến sĩ cách mạng trẻ tuổi thời kỳ kháng chiến chống Pháp, người làng Lũ Phong, xã Quỳnh Lưu, huyện Nho Quan, tỉnh Ninh Bình. Năm 15 tuổi, Lương Văn Tụy đã bước vào hoạt động cách mạng. Năm 1929, anh được kết nạp vào một tổ chức thanh niên cộng sản ở Ninh Bình được gọi là Đội Võ trang tuyên truyền tỉnh Ninh Bình. Anh được giao nhiệm vụ làm liên lạc, in truyền đơn và các tài liệu bí mật.

Ngày 7/11/1929, chính quyền cách mạng quyết định cắm cờ búa liềm trên núi Non Nước để khích động tinh thần đấu tranh của quần chúng và kỷ niệm cách mạng tháng Mười Nga. Lương Văn Tụy đã nhận nhiệm vụ lịch sử này. Để đánh lừa quân địch, Tụy đã nhanh trí đeo thêm 2 quả lựu đạn giả vào chân cột cờ tạo mối khiếp sợ không dám đến gần.

Sau sự kiện cắm cờ Đảng, ngày 18 tháng 11 năm 1929, trong khi đang mang mang báo "Dân cày" số 2, có in bài tường thuật, kèm theo hình minh họa lá cờ bay trên đỉnh Dục Thúy đến phát ở Yên Mô, quân Pháp đã bắt anh đưa về nhà lao Ninh Bình giam giữ. Ngày 28 tháng 4 năm 1930, anh bị đưa ra xử ở toà thượng thẩm Hà Nội rồi bị đưa đi Côn Đảo. Năm 1932, theo chủ trương của Đảo uỷ, anh cùng một số đồng đội khác vượt biển về đất liền, bị gió to, tất cả đều hy sinh. Năm ấy anh vừa tròn 18 tuổi.

Nhân dân Ninh Bình đã xây dựng tượng đài anh hùng Lương Văn Tụy trên đỉnh núi Non Nước. Tên tuổi của anh cũng được đặt cho một trường trung học nổi tiếng nhất Ninh BìnhTrường Trung học phổ thông chuyên Lương Văn Tụy. Anh cùng với cha mình là Lương Văn Thăng, cậu Đinh Tất Miễn đều được đặt tên cho những đường phố ở thành phố Ninh Bình.

Đền thờ Trương Hán Siêu

Đền thờ Trương Hán Siêu bên núi Non Nước

Trương Hán Siêu được lập đền thờ tại chân núi Non Nước thuộc công viên Dục Thúy Sơn nằm bên sông Đáythành phố Ninh Bình. Ngôi đền có vai trò khá đặc biệt: thường là nơi trao các giải thưởng văn hóa và khuyến học ở Ninh Bình như giải thưởng Trương Hán Siêu, giải thưởng học sinh giỏi,...

Đền Trương Hán Siêu kiến trúc theo kiểu chữ đinh, gồm 3 gian Bái Đường và 2 gian Hậu cung, hai tầng mái lợp bằng ngói, các góc có các đầu đao cong vút lên. Nhìn bán diện rìa mái cuộn lên ở hai đầu như hình ảnh một chiếc thuyền rồng ngoại mục. Trên nóc đền là hai con rồng chầu mặt nguyệt.

Mặt tiền của đền có tấm đại tự bằng chữ Hán Trương Thăng Phủ Tư. Bái đường có cửa võng, hương án và hai giá ở hai bên cắm bát bửu. Gian cuối của hậu cung có hương án và tượng Trương Hán Siêu được đúc bằng đồng. Gần đền Trương Hán Siêu là di tích lịch sử văn hoá chùa Non Nước, nằm ở phía đối diện qua núi Non Nước. Tất cả hợp lại thành một khu văn hóa, tâm linh đền - chùa - tượng đài - sông núi giữa thành phố Ninh Bình.

Chùa Non Nước

Một góc công viên núi Non Nước

Ngay dưới chân núi Non Nước là chùa Non Nước - một ngôi chùa cổ kính được xây dựng từ thời vua Lý Nhân Tông. Năm 2006, chùa đã được tu bổ khang trang hơn nhưng vẫn giữ được vẻ thiêng liêng trầm mặc.

Từ thời Lý, ngôi chùa này đã xuất hiện tháp là nơi thờ Phật. Trong tháp đặt một tượng Phật chính và một số tượng phụ. Sang thế kỷ XIII, tháp được tách ra, thành hai kiến trúc riêng: chùa và tháp. Tháp không còn là chùa mà trở thành mộ sư. Chính vì vậy, đến đời Trần, tháp Linh Tế đổ vỡ. Đến năm 1337 thời vua Trần Hiến Tông, tháp Linh Tế được khởi công xây dựng lại. Người đứng lên chủ trì việc xây dựng tháp là nhà sư Trí Nhu (người phủ Tràng An, châu Đại Hoàng - tức là người Ninh Bình). Khi đang giữ chức Tả ty Lang trung, Tả giám Nghị đại phu, Trương Hán Siêu đã viết bài "Dục Thúy sơn Linh Tế tháp ký" (Bài ký tháp Linh Tế ở núi Dục Thúy), nhân việc tháp Linh Tế xây dựng lại xong. Trong bài ký đó, Trương Hán Siêu đã cho biết tháp Linh Tế xây dựng lại cao 4 tầng: "Tháp xây 4 tầng, đêm tỏa hào quang, kẻ xa người gần đều trông thấy rõ". Từ khi xây dựng lại tháp Linh Tế trên núi Dục Thúy, nhiều tao nhân mặc khách đã làm thơ vịnh núi đều nói đến tháp Linh Tế:

"Lòng sông in bóng thápTầng thẳm cửa thôi che".TRƯƠNG HÁN SIÊU"Bóng tháp hình trâm ngọcGương soi ánh tóc huyền".NGUYỄN TRÃI

Cuối thời Hậu Lê tháp Linh Tế bị đổ vỡ. Điều này đã được Phạm Đình Hồ viết trong sách "Tam thương ngẫu lục": "Sau khi vạc đổi, Cung bỏ làm trường lương Tràng An, tháp Linh Tế cũng đổ nát".

Mỗi năm chùa Non Nước đón hàng nghìn lượt khách du lịch trong nước và quốc tế về tham quan, chiêm bái. Từ chùa phóng tầm mắt ra xa, sẽ được chiêm ngưỡng cảnh sắc thanh bình, yên ả của làng quê Việt Nam.

Động Thủy Thần

Động Thủy Thần bên sườn núi Non Nước gắn liền với tích truyện con Vua Thủy Tề lấy chàng đánh cá. Tương truyền khi công chúa con vua Thuỷ Tề là tiên cá đi ngược dòng sông du ngoạn, không ngờ một người thuyền chài đánh lưới bắt được. Người ấy ban đầu thả nuôi ở gầm thuyền. Công chúa phải nhịn đói hơn một ngày khỏng có cái gì ăn. Lúc sắp lả đi vì đói thì may thay được con trai người thuyền chài tuổi còn trẻ ăn cơn đánh đổ xuống gầm thuyền, nhờ đó nàng mới đớp ăn khỏi chết. Hơn nữa, lại nhờ lúc đó, cũng người con trai ấy bắt lên chơi rồi buột tay đánh rơi xuống sông. Thế là công chúa lại được trở về thủy cung.

Nhưng từ ngày về, nàng một phần nhớ ơn, một phần lưu luyến anh con trai ở trần gian, dần dần nhuốm bệnh. Không hiểu về sau nàng làm thế nào mà xin được phép cha đội lốt người, lên ở hẳn trên mặt đất và thoả được nguyện vọng của mình, là kết duyên với chàng trai kia. Bấy giờ gia đình anh chàng cũng trải qua một cuộc tang thương: người cha đã chết, thuyền bị đắm, lưới chài mất sạch. Anh chàng dùng hang Non Nước làm nơi cư trú ngày ngày câu cá sinh nhai. Nàng tìm đến cùng chàng lấy nhau. Tuy sống kham khổ nhưng hai vợ chồng yêu nhau hết mực.

Công viên Thúy Sơn

Công viên Thúy Sơn

Công viên Thuý Sơn nằm ở một địa thế đẹp, non nước hữu tình, nên thơ. Người dân thành phố Ninh Bình và du khách tìm đến công viên không chỉ để nghỉ ngơi, thư giãn tại các bể bơi, vườn thú, du thuyền mà còn để tham quan, thăm viếng, bởi trong khuôn viên của công viên có các di tích, danh thắng nổi tiếng gắn với Núi Non Nước như đền thờ danh nhân văn hoá Trương Hán Siêu, đài tưởng niệm liệt sĩ thành phố, tượng đài anh hùng Lương Văn Tụy và chùa Non Nước…

Công viên Thuý Sơn là công trình phúc lợi xã hội, là tài sản của Nhà nước, do UBND thành phố Ninh Bình giao cho Công ty Môi trường và Dịch vụ đô thị trực tiếp quản lý, khai thác đối với các công trình nằm trong công viên, đồng thời được phép kêu gọi đầu tư nhằm gìn giữ, phát triển công viên; tổ chức các dịch vụ phục vụ tham quan, tín ngưỡng, vui chơi, giải trí trong công viên.